Cảnh nền Đảo chính Tiệp Khắc năm 1948

Klement GottwaldIosif Stalin ở cuộc họp Đảng Cộng sản Tiệp Khắc vào năm 1947

Sau khi Thế chiến lần thứ hai kết thúc thì Đảng Cộng sản Tiệp Khắc (KSČ) đoạt được chỗ đầu gió. Từ thập kỉ 20 đảng có ảnh hưởng mạnh mẽ trên chính trường Tiệp Khắc, trong thời chiến thì không thông đồng với quân địch và góp sức kháng chiến cùng những đảng khác. Nay ngày càng được lòng dân vì ủng hộ Liên Xô là một nước giúp giải phóng Tiệp Khắc và có cùng một lòng chống cự lại Đức Quốc xã của người dân. Đảng quyết tâm trở thành lực lượng chính trị hàng đầu của Tiệp Khắc mà không làm kinh hoảng phương Tây. Trước cảnh sống trong vòng ảnh hưởng của Liên Xô, từ năm 1945 đến năm 1948 số lượng đảng viên tăng từ 40.000 người lên 1,35 triệu.[2] Hơn nữa Liên Xô xem Tiệp Khắc là chiến lợi phẩm đắc địa: vừa giáp với Tây Đức, vừa có mỏ uranium xung quanh Jáchymov.[3][4]

Tuy nhiên, đảng không muốn đi tới quá nhanh. Năm 1945 lãnh tụ đảng Klement Gottwald nói, “bất chấp tình hình thuận lợi, mục tiêu tiếp theo không phải là xây dựng xô viết và chủ nghĩa xã hội, mà là thực hiện một cuộc cách mạng dân chủ thực sự trọn vẹn trong cả nước”. Ông nhận đảng của ông nối truyền thống dân chủ Tiệp Khắc và đến nỗi còn tự xưng là học trò của tổng thống đầu tiên Tomáš Masaryk. Đảng cũng tận dụng chủ nghĩa dân tộc bằng cách hưởng ứng lòng ghét người Đức dữ dội của dân chúng Séc.[2] Những năm đầu sau chiến tranh Đảng Cộng sản Tiệp Khắc liên minh với những đảng khác thành Mặt trận Quốc gia, luôn tỏ ra sẵn sàng sinh hoạt theo pháp luật.

Năm 1946 KSČ giành được 38% số phiếu bầu trong cuộc bầu cử quốc hội, là kết quả tốt nhất từ ​​trước đến nay của một đảng cộng sản châu Âu trong một cuộc bầu cử tự do; ở Hung đảng cộng sản chỉ giành được 22%. Tổng thống Edvard Beneš chịu làm việc cùng Liên Xô, tuy không theo chủ nghĩa cộng sản nhưng bổ nhiệm Gottwald làm thủ tướng, mong là các nước mạnh Đồng Minh sẽ tự kiềm chế. Chính phủ có phần lớn không thuộc đảng cộng sản, song KSČ nắm quyền kiểm soát cảnh sát và quân đội, cùng lúc điều khiển những bộ chủ chốt khác như bộ tuyên truyền, giáo dục, phúc lợi xã hội, và nông nghiệp; ngành công chức cũng sớm rơi vào tay đảng.[5]

Mặc dù vậy, mùa hè năm 1947 KSČ đã làm mất lòng rất nhiều cử tri. Cảnh sát do Bộ trưởng Nội vụ Václav Nosek là đảng viên lãnh đạo thì xâm phạm quyền công dân, nông dân thì phản đối tập thể hoá nông nghiệp, một vài người lao động thì nổi giận vì phải tăng sản lượng mà không được trả thêm lương. Giới quan sát dự báo Đảng Cộng sản Tiệp Khắc sẽ thua tuyển lớn trong cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 5 năm 1948.[5][6] Tháng 9 năm 1947 Thư kí thứ hai Đảng Cộng sản Liên Xô Andrei Zhdanov nhận xét ở cuộc họp Cominform đầu tiên, mặc dù Liên Xô giúp đảng cộng sản ở hầu như mọi nước Đông Âu lên nắm quyền, tại Tiệp Khắc cuộc tranh giành quyền lực vẫn chưa ngã ngũ,[6] tức là có ý thúc KSČ mau đoạt quyền. Sau này giả thuyết cướp quyền hành được chứng minh vào Mùa xuân Praha, đảng mở kho lưu trữ tư liệu, cho thấy Stalin không còn tin KSČ có thể lên nắm quyền thông qua bầu cử trước cảnh đảng cộng sản ở Pháp và Ý thua tuyển vào năm 1947 và 1948.[6]

Phó lãnh tụ KSČ Tổng thư ký Rudolf Slánský thay mặt đảng ở cuộc họp. Ông trở lại Praha cùng kế hoạch cướp chính quyền. Slánský nhận xét, “giống như ở ngoài nước, chúng ta cũng đã tiến hành tấn công ở trong nước.”[6] KSČ thi hành chiến lược hai mũi nhọn. Đảng muốn giành được đại đa số vào cuộc bầu cử năm 1948, nhưng ngày càng khó thật hiện do liên minh cấp tiến tan vỡ. Một mặt tiếp tục giả bộ sinh hoạt bên trong hệ thống chính trị đang có, biết được rằng người dân sẽ không chấp thuận một cuộc đảo chính cách mạng. Một mặt huy động quần chúng bằng cách tổ chức các cuộc biểu tình “tự nguyện” để “bày tỏ ý chí nhân dân" và cho các đoàn công nhân liên tục đến thăm quốc hội.[7]